Dường như, Đà Lạt rất tài tình trong khoản khiến cho du khách không thể không tìm một lý do để quay trở lại nơi đây – một mảnh đất ngập tràn hoa và sương. Và Viện Sinh học Tây Nguyên là một điểm check in đảm bảo bao ngầu trên đỉnh đồi Tùng Lâm, Đà Lạt
Ở bất cứ góc nhỏ nào, du khách cũng có thể kiếm cho mình một bức hình cực kì lung linh, ảo diệu, từ những ngôi biệt thự cổ kính phủ đầy rêu phong của năm tháng cho đến những ngọn thác hùng vĩ mà lãng mạn nên thơ. Hôm nay, hãy cùng Yeudalat.com đến với Viện Sinh học Tây Nguyên, một tụ điểm sống ảo mới đang được các tín đồ háo hức săn đón thời gian gần đây.
Thông tin cơ bản tham quan về Viện Sinh học Tây Nguyên
Những địa điểm du lịch Đà Lạt trên cùng một tuyến đường
Cập nhật giá vé các điểm tham quan tại Đà Lạt
Kinh nghiệm thuê xe máy Đà Lạt giá tốt nhất
Địa chỉ: 116 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 7, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Giá vé: 15.000 VNĐ/ người
Giờ mở cửa: 7:00 – 21:00
Liên hệ: 02633822078 / email: [email protected]
Giới thiệu về Viện Sinh học Tây Nguyên
Tọa lạc trên đỉnh đồi Tùng Lâm tại phường 7 thành phố Đà Lạt, Phân Viện Sinh học Tây Nguyên (hay còn được gọi là Viện Sinh học Tây Nguyên/ Viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên) nổi bật giữa rừng thông rộng bạt ngàn với lối kiến trúc Pháp cổ điển cùng mặt tiền là cây thập giá với hai hàng chữ bằng tiếng Latin: “Copiosa Apud Eum Redemptio”, dịch ra tiếng việt là: “Ơn cứu độ chan chứa nơi Ngài” cực kì ấn tượng khiến du khách không khỏi trầm trồ bất ngờ.
26 năm kể từ khi đi vào hoạt động chính thức năm 1990, bên cạnh chức năng chính là nghiên cứu về khoa học và công nghệ sinh học, du khách đến với Viện Sinh Học Tây Nguyên sẽ được chiêm ngưỡng một những bộ sưu tập đồ sộ về tài nguyên động thực vật quý giá của núi rừng Tây Nguyên, góp phần to lớn trong việc phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu về ngành sinh học cũng như ngành du lịch của thành phố Đà Lạt nói chung.
Cho đến hiện tại, Bảo tàng sinh học Tây Nguyên bao gồm 7 gian trưng bày và 6 phòng lưu trữ, trong đó có hơn 1.300 mẫu động vật, gồm 195 mẫu xương của khoảng 45 loài động vật, và 422 mẫu thú của 68 loài, 310 mẫu chim của 112 loài, 54 mẫu lưỡng thê bò sát của 18 loài, 36 mẫu thú nuôi nhà của 22 loài, hơn 600 mẫu của các loài côn trùng thuộc 10 bộ côn trùng có ý nghĩa khoa học và kinh tế phổ biến tại khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra Bảo tàng Sinh học Đà Lạt này còn trưng bày 245 mẫu nấm lớn của 240 loài thuộc khu vực rừng thông Lâm Đồng.
Sự đa dạng của quần thể thực vật cũng góp phần làm đa dạng thêm sự hoành tráng của Viện bảo tàng Tây nguyên với bộ sưu tập với hơn 1.300 giò lan các loại, nhân giống và giữ gìn nguồn gen của gần 260 loài lan rừng, với những cái tên vốn chỉ có ở vùng Tây Nguyên: Thanh lan, Tuyết ngọc, Thanh đạm, Thủy tiên và các loài lan Hài…
Ngoài mục đích phục vũ nghiên cứu và du lịch, Viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên còn có những hoạt động giới thiệu và kêu gọi bảo vệ môi trường sinh thái cũng như các loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng tại khu vực tỉnh Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
lịch sử hình thành Viện Sinh học Đà Lạt
Được biết. Viện sinh học Tây Nguyên trước đây vốn Học viện Dòng Chúa Cứu Thế thuộc Giáo hội Công Giáo, được xây dựng từ năm 1950 với vật liệu chính là đá. Tòa nhà cao 5 tầng, gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nối và 120 phòng.
Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền địa phương đã sử dụng cơ sở này cho các hoạt động công ích. Sau vài lần thay đổi đơn vị quản lý, đến năm 1991 nơi đây được chuyển giao cho Viện Sinh Học Nhiệt Đới trực thuộc Trung Tâm Khoa Học Tự Nhiên và Công Nghệ Quốc Gia và trở thành Phân Viện Sinh Học tại Đà Lạt. Ngày 20-2-2008, Phân Viện Sinh Học tại Đà Lạt được đổi thành Viện Sinh học Tây Nguyên trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Từ đó đến nay, chúng ta có một Bảo tàng sinh học Tây Nguyên ma mị nhưng cũng rất thú vị, kích thích trí tò mò.
Tham quan và chiêm ngưỡng kho tàng sinh học Tây Nguyên Đà Lạt
Điểm đặc biệt đầu tiên có thể nhận thấy được chính là kiến trúc mang phong cách Pháp cổ điển như một tòa lâu đài cổ tích ma mị mà cổ kính. Xung quanh viện là hàng trăm chiếc cửa sổ có tầm nhìn hướng thẳng qua đồi thông, khiến nơi đây vừa đẹp từ trong ra ngoài.
Bên trong bảo tàng là nhiều những không gian trưng bày các mẫu vật của hàng trăm ngàn loài động thực vật từ hoang dã đến quý hiếm, một “công cụ” lý tưởng cho những ai đang tìm kiếm những bức hình độc lạ cho chuyến du lịch của mình. Dường như tòa viện đã hòa mình cùng với cảnh quan thiên nhiên nơi đây và tạo nên một khung cảnh yên bình, u ám hơi hướng ma mị nhưng bình yên, thơ mộng đến lạ lùng.
Tham quan và chiêm ngưỡng nơi đây, du khách sẽ thấy được những nét đặc trưng riêng nhất của mảnh đất Tây Nguyên đất đỏ bazan buổi đầu hoang sơ cùng những khu rừng nguyên sinh đầy bí ẩn của đại ngàn một cách đủ đầy nhất.
Đến thăm Viện bảo tàng sinh học Đà Lạt, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cái huyền bí, sức sống mãnh liệt cùng nét cổ xưa cuốn hút không thể nào chối từ của núi rừng thiên nhiên nơi đất Tây Nguyên hùng vĩ nhưng vô cùng gần gũi với con người.
Trên đây là những gợi ý của Yeudalat.com cho những ai muốn đi du lịch Viện Sinh học Tây Nguyên tại Đà Lạt – thành phố sương mù. Theo dõi blog để biết thêm những thông tin bổ ích khác và lên cho mình những hành trình du lịch thật khó quên tuy nhiên vẫn phải lưu ý bảo vệ sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh trong thời điểm này nhé.